Hệ sinh thái doanh nghiệp là gì?
Lấy ý tưởng từ tự nhiên, một hệ sinh thái gồm nhiều sinh vật hỗ trợ nhau tồn tại và phát triển. Hệ sinh thái doanh nghiệp bao gồm một mạng lưới có nhiều chủ thể liên kết với nhau để đạt hiệu quả cao hơn trong việc kinh doanh. Mạng lưới này được phân bổ trao quyền cho các công ty khác nhau, các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau. Nhờ vào sự liên kết mà sự phân bổ này đem lại thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị cao hơn so với từng hoạt động đơn lẻ.
Cốt lõi của một hệ sinh thái doanh nghiệp là sự phát triển cộng sinh và cùng hưởng lợi từ sự tồn tại của các ngành/ các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, hệ sinh thái doanh nghiệp không chỉ giới hạn ở chuỗi cung ứng hay tập khách hàng, nó có thể ảnh hưởng tới chiến lược, doanh số, sản phẩm và cả nhân sự của doanh nghiệp.
Hệ sinh thái doanh nghiệp có mấy dạng – 2
Hệ sinh thái vĩ mô
Hệ sinh thái vĩ mô thường có quy mô lớn, được tạo ra và dẫn dắt bởi các tổ chức nhằm tác động vào những vấn đề lớn như: vận động chính sách cấp chính phủ, áp dụng chuẩn công nghệ mới, thống nhất tiêu chuẩn ngành… vì lợi ích chung của một nhóm doanh nghiệp hay ngành nào đó.
Hệ sinh thái vi mô
Hệ sinh thái vi mô thường vì mục đích lợi nhuận của một ngành hay một công ty nào đó. Nó cũng có thể giúp tăng lợi thế cạnh tranh hay tạo rào cản chống doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường.
Các mô hình hệ sinh thái doanh nghiệp – 4
Đa ngành
Hệ sinh thái đa ngành thường do các công ty có quy mô lớn với tiềm lực dồi dào đầu tư và phát triển nhằm tối ưu sử dụng vốn và tạo ra sự độc quyền nhẹ cho thương hiệu của mình. Ví dụ Vingroup với hệ thống nhà đất, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, bán lẻ, sản xuất xe… FPT với các lĩnh vực phần mềm, viễn thông, ngân hàng, thiết bị công nghệ… Các công ty con trong hệ sinh thái tất nhiên sẽ ưu tiên hỗ trợ nhau bằng nhiều cách để tạo lợi thế cạnh tranh với các công ty đối thủ trên thị trường. Tuy nhiên mô hình này có điểm yếu là rất khó quản lý do quy mô quá lớn và cũng khó hợp tác với doanh nghiệp bên ngoài khi chính nó đang chứa một công ty đối thủ của đối tác.
Đa sản phẩm
Hệ sinh thái đa sản phẩm thường dùng để tối ưu sử dụng nền tảng nhằm tăng doanh số, duy trì tốc độ tăng trưởng. Khi thị trường bão hòa, doanh nghiệp chỉ cần tận dụng máy móc thiết bị của mình để sản xuất thêm dòng sản phẩm khác hoặc sử dụng chuỗi cửa hàng của mình bán thêm sản phẩm khác. Việc đầu tư thêm có thể không nhiều nhưng có thể mở ra một cơ hội mới “xanh” hơn trong một ngành đã “đỏ”.
Doanh nghiệp cũng có thể dùng mô hình đa sản phẩm này để làm phễu thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm chính của mình và cân đối lợi nhuận sau. Ví dụ một công ty kế toán có thể nhận thành lập doanh nghiệp miễn phí, sau đó công ty mới thành lập sẽ thuê họ làm kế toán và trả tiền suốt quá trình hoạt động. Vì vậy một hệ sinh thái đa sản phẩm thường sẽ có điểm yếu là không phải sản phẩm nào cũng có lãi.
Đa phân khúc
Hệ sinh thái đa phân khúc có quy mô nhỏ và chặt chẽ hơn đa ngành. Nó thường dùng để tối ưu số lượng khách hàng. Với các hãng thời trang, chuỗi nhà hàng, hay chuỗi trung tâm ngoại ngữ thì nếu có nhiều nhóm khách hàng, họ cũng có thể có nhiều nhóm sản phẩm phục vụ đúng phân khúc khách hàng đó. Việc này giúp họ nắm chắc thị phần bằng sản phẩm cốt lõi của mình, cập nhật nhu cầu và điều chỉnh giá cả liên tục để tối ưu lợi nhuận. Điểm yếu của mô hình này là dễ bị tác động. Nếu một nhánh phân khúc gặp rắc rối có thể dẫn đến việc các phân khúc khác bị ảnh hưởng.
Nền tảng cộng sinh
Hệ sinh thái nền tảng cộng sinh thường được lập ra bởi một công ty sở hữu nền tảng. Họ kêu gọi các bên gia công tham gia vào hệ sinh thái để nhận được nhiều lợi ích hơn nhờ tận dụng công nghệ hoặc sự ăn ý trong hợp tác giữa các đối tác quen thuộc. Những ứng dụng đặt xe kết hợp chủ xe, tài xế, dịch vụ vận chuyển. Những ứng dụng chia sẻ căn hộ dư thừa kết hợp chủ nhà, người tìm thuê, người cần bán. Những trang web cho phép nghệ sĩ nghiệp dư bán ảnh cho người dùng ảnh… sẽ tạo ra lợi ích cho các bên và tất nhiên cũng sẽ đem về nhiều lợi nhuận cho bên phát triển nền tảng. Vì vậy đây là một mô hình hiện đại và đang phát triển rất mạnh.
Tác động của mô hình hệ sinh thái
Đối với doanh nghiệp. Các mục tiêu có sự ưu tiên khác nhau nhưng hầu hết sẽ mong đạt được:
- Tối ưu lợi nhuận
- Mở rộng thương hiệu
- Tận dụng tập khách hàng
- Tiết kiệm chi phí quảng cáo và đào tạo nội bộ
- Kiểm soát chất luợng và giá cả
Mô hình hệ sinh thái là một lựa chọn để phục vụ cho việc kinh doanh của doanh nghiệp. Việc kinh doanh sẽ được đo lường bằng hiệu quả cuối cùng là lợi nhuận, chứ không phải bằng việc nó có hợp trào lưu hay không. Vì vậy doanh nghiệp hãy tính toán kỹ trước khi áp dụng.
Bài trên chỉ nói sơ lược về mô hình. Để đi vào chi tiết hơn, doanh nghiệp quan tâm có thể liên hệ với tôi để gặp trực tiếp. Rất vui lòng gặp gỡ và trao đổi với quý doanh nghiệp.