Khi doanh nghiệp cần vốn, họ thường ước có người đầu tư một cục tiền cho mình để mình bung hết sức, làm những điều mình muốn cho thỏa những ý tưởng trong đầu. Nhưng không lâu sau họ lại ước gì trước đó mình chưa từng nhận số tiền đó, để không khổ như vậy. Cho nên nhận diện nhà đầu tư trước khi nhận tiền rất quan trọng. Có những dạng nhà đầu tư nào?.
Nhà đầu tư thiên thần
Họ có tên như vậy là do thường xuất hiện ngay khi doanh nghiệp vừa ước. Đưa tiền mà chẳng đòi hỏi gì nhiều. Họ đầu tư vì muốn ủng hộ ý tưởng, muốn làm việc tốt, hay chỉ vì thích người kêu gọi đầu tư thế thôi.
Nhà đầu tư thiên thần thường là những cá nhân giàu có, có tài sản đầu tư khoảng 1 triệu đô, tức là không tính nhà ở xe cộ họ vẫn dùng, số “vốn nhàn rỗi” của họ khoảng 24 tỷ và họ muốn thử các trò chơi mới coi có hay hơn cách kiếm tiền cũ không.
Ở Việt Nam do kênh đầu tư đất đai khá ổn cho nên nhà đầu tư thiên thần thường có quy mô đầu tư khoảng dưới giá trị một lô đất. Khoảng dưới 2 tỷ cho một công ty khởi nghiệp.
Họ tham gia đầu tư khá sớm, khi doanh nghiệp bắt đầu hình thành, đã có sản phẩm mẫu, chuẩn bị sản xuất hàng loạt và gia nhập thị trường.
Do không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp nên họ thẩm định khá sơ sài, có khi chỉ là đí uống café nghe ý tưởng. Cơ sở chính là họ tin vào tố chất của người điều hành, và sản phẩm.
Trong quản trị công ty, nhà đầu tư thiên thần có thể tham gia hội đồng quản trị, nhưng thường chỉ quan sát, ít khi ra quyết định, mà nếu phải ra quyết định, họ cũng ít bị ảnh hưởng từ người khác.
Nhà đầu tư thiên thần tham gia sớm, chịu rủi ro cao, sẵn sàng mất vốn nếu công ty thất bại vì vậy họ kỳ vọng lợi nhuận rất cao. Khoảng 10 lần số vốn bỏ ra sau 3 đến 5 năm. Vì vậy thường ưa thích những công ty công nghệ vì khả năng bùng nổ cao.
Nhà đầu tư mạo hiểm
Nhà đầu tư mạo hiểm là hình thức chuyên nghiệp hơn nhà đầu tư thiên thần. Chính vì họ chuyên nghiệp nên cũng có nhiều vấn đề.
Họ có thể là một nhóm nhà đầu tư, một công ty cổ phần, hay một quỹ đầu tư có công ty quản lý quỹ. Họ chủ động săn tìm các công ty non có triển vọng để đầu tư kiếm lời – một mục đích rõ ràng.
Quy mô đầu tư của nhà đầu tư mạo hiểm là rất lớn. Do nguồn vốn của nhiều người góp lại nên họ rất nhiều tiền, họ thích đầu tư các công ty sản xuất quy mô lớn với những khoản tiền tính bằng triệu đô trở lên.
Nhà đầu tư mạo hiểm sẽ tham gia khá muộn khi sản phẩm đã ra thị trường. Họ bơm tiền để công ty tăng công suất, mở rộng thị trường thật nhanh để đạt đến điểm lợi nhuận kỳ vọng rồi họ bán phần vốn góp đó để lấy lời.
Nhà đầu tư mạo hiểm thẩm định chi tiết rất chặt chẽ, đặc biệt là các vấn đề tài chính, có họ có thể thuê thẩm định giá hoặc kiểm toán để nghiên cứu công ty trước khi đầu tư.
Nhà đầu tư mạo hiểm, nếu là tổ chức, sẽ có người đại diện tham gia hội đồng quản trị, người này chịu trách với phần vốn do các nhà đầu tư khác ủy thác nên họ sẽ có quyết định theo hướng có lợi cho phía nhà đầu tư.
Về kỳ vọng lợi nhuận, nhà đầu tư mạo hiểm cần sự tăng trưởng đều và vững chắc nên họ tìm kiếm lợi nhuận từ cả hoạt động kinh doanh đến bán phần vốn góp. Thường thì họ mong muốn lợi nhuận khoảng 20% đến 30% mỗi năm. Khoảng 3 lần lãi ngân hàng.
Một quỹ đầu tư thường có vòng đời khoảng 10 năm trước khi trả vốn cho các nhà đầu tư nên thương vụ đầu tư của họ thường kéo dài khoảng 5 đến 10 năm. Trong sự kiện tạo thanh khoản (liquidity event) họ sẽ bán phần vốn góp cho các cổ đông hoặc cho nhà đầu tư khác để thoái vốn (exit).
Nhà đầu tư ác quỷ
Nhà đầu tư ác quỷ thật ra là một trong hai dạng nhà đầu tư ở trên nhưng họ có thể đem đến tác động xấu cho doanh nghiệp như:
- Người sáng lập mất quyền kiểm soát doanh nghiệp
- Mâu thuẫn, xung đột nội bộ giữa thành viên sáng lập với nhà đầu tư
- Ý tưởng sản phẩm, mô hình kinh doanh bị thay đổi hoàn toàn
- Công ty bị thâu tóm trở thành của người khác
- Công ty bị tiêu diệt để tạo thị trường cho một công ty khác
Nhà đầu tư ác quỷ thường có xu hớng bắt công ty phải làm theo ý mình và từ đó dẫn đến phản ứng tiêu cực của những người sáng lập. Người sáng lập sẽ chọn một trong hai cách như:
- Tiếp tục làm nheo ý mình nhưng thể hiện theo ý của nhà đầu tư. Việc này sẽ làm công ty đi xuống hoặc nảy sinh mâu thuẫn quản trị và đổ vỡ hợp tác.
- Hoàn toàn nghe lời nhà đầu tư và đánh mất mình. Việc này khiến công ty sớm trở thành một công ty tiếp theo của nhà đầu tư, người sáng lập trở thành làm thuê, giảm động lực cống hiến và công ty khó có kết quả đột phá.
Để xảy ra những điều trên là do ngay từ khi bắt đầu hợp tác người sáng lập doanh nghiệp đã không nhìn thấy thực tế đầu tư của mình không cùng chí hướng. Lúc đó họ ở trong tình thế chỉ cần có tiền là được, còn tham vọng của nhà đầu tư thì tính sau.
Sau đó, để không làm thất vọng nhà đầu tư khó chịu của mình, doanh nghiệp có thể vô tình vẽ ra một cái nhìn lạc quan quá mức về thị trường, hoặc tình hình tốt đẹp giả tạo của chính công ty mình.
Khi doanh nghiệp che giấu thông tin thì nhà đầu tư lại tăng giám sát và yêu cầu khắt khe hơn nữa. Lúc này việc quản trị công ty giống như trong địa ngục và hai bên dành nhiều năng lượng cho việc đối phó với nhau hơn là đối phó với thị trường. Hệ quả là công ty vẫn tiêu tiền, nhưng hiệu quả giảm sút. và đi đến sụp đổ.
Làm việc với nhà đầu tư ác quỷ cần lưu ý những điểm nào?
- Tỷ lệ sở hữu
Trong điều hành doanh nghiệp, có một số mốc phần trăm sở hữu đáng lưu ý:
Quyền phủ quyết: 36%
Quyền biểu quyết đa số quá bán: 51%
Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết.
Các nghị quyết khác được thông qua khi được số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành.
Quyền triệu tập họp đại hội đồng cổ đông: 65%
Cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 65% vốn.
Nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản khi được số thành viên sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ tán thành.
Quyền quyết định giao dịch lớn: 75%
Số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành đối với quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất.
- Điều kiện giải ngân cụ thể qua từng giai đoạn, từng mốc thời gian.
- Cam kết chỉ tiêu với nhà đầu tư và vấn đề thoái vốn của nhà đầu tư có khả thi không.
- Quyền sở hữu trí tuệ được ai sở hữu và được ai sử dụng.
- Điểm nào trong nội dung thỏa thuận cần phải được bảo lưu và không thể thay đổi trong quá trình đàm phán.
- Trường hợp xảy ra rủi ro, thất bại. Việc chia sẻ rủi ro được quy định như thế nào.
Nhà đầu tư con người
Nhóm này là những nhà đầu tư không chuyên, họ chỉ tập trung vào con người, và đầu tư vì con người hơn là lợi nhuận. Đó là bạn bè, người thân, gia đình của người sáng lập. họ có thể đóng góp cả tiền bạc và công sức từ rất sớm vì muốn giúp đỡ hơn là tìm kiếm lợi nhuận. Cũng có những nhà đầu tư mong muốn tuyển dụng người sáng lập cho việc khác nhưng vẫn giúp họ làm điều họ muốn. Nhóm nhà đầu tư này an toàn nhất nhưng vẫn nên cân nhắc trước khi nhận tiền của họ vì khi xảy ra rủi ro, doanh nghiệp có thể mất cả tiền lẫn lòng tin của họ.
Chọn nhà đầu tư
Doanh nghiệp nếu có điều kiện chọn nhà đầu tư hãy tìm hiểu một vài điều trước khi làm việc với họ:
Khả năng chịu rủi ro của chính mình. Mình có bao nhiêu vốn thực hay đội ngũ có thể làm việc không lương trong bao lâu.
Danh sách nhưng nhà đầu tư con người, nhà đầu tư thiên thần cần ưu tiên trước.
Thói quen đầu tư, sở thích đầu tư của những nhà đầu tư mạo hiểm.
Những thương vụ tương tự và tỷ lệ gọi vốn thành công của những công ty tương tự.
Để lại nhiều phần trăm cổ phần cho mình và còn có thể gọi vốn lần sau.
Sử dụng hợp đồng hợp tác với các điều khoản chi tiết cặn kẽ cho từng trường hợp cụ thể