Tập đoàn kinh tế

Theo các quy định pháp luật hiện hành thì chưa có quy định riêng cho tập đoàn tư nhân. Việc thành lập tập đoàn tư nhân không phải đăng ký. Việc tổ chức hoạt động của tập đoàn do công ty thành lập tập đoàn tự quyết định.

Tuy nhiên, luật có một số quy định dành cho tập đoàn kinh tế của nhà nước. Các quy định này coi tập đoàn giống như các tổng công ty nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Vì vậy doanh nghiệp muốn tìm hiểu thủ tục thành lập tập đoàn có thể tham khảo.

Tập đoàn kinh tế

Tập đoàn kinh tế bao gồm nhóm các công ty có quy mô lớn, có tư cách pháp nhân độc lập, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sáp nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác. Các công ty này gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác tạo thành tổ hợp kinh doanh có từ hai cấp doanh nghiệp trở lên dưới hình thức công ty mẹ – công ty con.

Cách tổ chức tập đoàn

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật.

Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của luật doanh nghiệp. Việc tổ chức hoạt động của tập đoàn do các công ty lập thành tập đoàn tự thỏa thuận quyết định.

Công ty mẹ

Công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế (nhà nước) phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Vốn điều lệ của công ty mẹ không thấp hơn 10.000 tỷ đồng. Trường hợp công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì phần vốn nhà nước phải chiếm tối thiểu 75% vốn điều lệ của công ty mẹ. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với trường hợp mức vốn điều lệ hoặc tỷ lệ vốn nhà nước trên vốn điều lệ của công ty mẹ thấp hơn mức quy định này.

– Có nguồn nhân lực đủ trình độ, kinh nghiệm và khả năng kinh doanh ngành nghề chính và các ngành nghề có liên quan; quản lý vốn đầu tư và quản trị điều hành, phối hợp hoạt động các công ty con, công ty liên kết.

– Có khả năng sử dụng bí quyết công nghệ, thương hiệu, thị trường để chi phối các công ty con và tiến hành liên kết với các công ty liên kết khác.

– Có nguồn lực tài chính hoặc có phương án khả thi để huy động nguồn lực tài chính, bảo đảm đầu tư đủ vốn vào các công ty con và các công ty liên kết.

Công ty con

Tập đoàn kinh tế phải có tối thiểu 50% số công ty con hoạt động trong những khâu, công đoạn then chốt trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và tổng giá trị cổ phần, phần vốn góp của công ty mẹ tại các công ty con này tối thiểu bằng 60% tổng nguồn vốn đầu tư của công ty mẹ tại các công ty con, công ty liên kết.

Công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ phải là những công ty được thành lập để phát triển, nắm giữ các bí quyết công nghệ phục vụ trực tiếp việc thực hiện các nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ.

Điều kiện thành lập tập đoàn kinh tế

Theo khoản 3 điều 9 Nghị định 69/2014/NĐ-CP. Tập đoàn kinh tế cần đáp ứng điều kiện:

Có ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc ngành, lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đặc biệt quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia về kinh tế; tạo nền tảng về hạ tầng kinh tế quốc gia; Tạo động lực nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ quy định các ngành, lĩnh vực kinh doanh được xem xét thành lập tập đoàn kinh tế trong từng thời kỳ.

Hồ sơ thành lập tập đoàn kinh tế

Hồ sơ thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty gồm:

  1. Tờ trình Đề án;
  2. Đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
  3. Dự thảo Điều lệ công ty mẹ.

Trong thời hạn ba mươi  ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Hồ sơ đề nghị thành lập tập đoàn kinh tế, các cơ quan và cá nhân liên quan có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham gia ý kiến đối với các nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ Hồ sơ và báo cáo thẩm định Hồ sơ đề nghị thành lập tập đoàn kinh tế để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phương thức quản lý, điều hành tập đoàn kinh tế

Việc quản lý, điều hành tập đoàn kinh tế, tổng công ty thực hiện theo phương thức :

  1. Quản lý, điều hành thông qua công ty mẹ.
  2. Quản lý, điều hành thông qua các hình thức đầu tư, liên kết; thỏa thuận, hợp tác sử dụng dịch vụ chung trong toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty; thực hiện các quy chế, tiêu chuẩn, định mức chung trong toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty không trái với quy định pháp luật; sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau theo nguyên tắc thị trường.
  3. Phương thức khác theo quy định của pháp luật và phù hợp với Điều lệ của các doanh nghiệp thành viên.

Yêu cầu về tính minh bạch, công khai thông tin tập đoàn kinh tế

Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty phải thực hiện việc công khai, minh bạch các thông tin chủ yếu liên quan đến hoạt động của mình theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp liên quan đến công khai, minh bạch thông tin. Các nội dung thông tin cần công khai, minh bạch bao gồm:

– Các nhiệm vụ chủ sở hữu nhà nước giao dưới các hình thức khác nhau.

– Thông tin chi tiết về cơ cấu sở hữu và tài sản.

– Danh mục các dự án đầu tư, hình thức đầu tư, tổng ngân sách đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hiện hành.

– Các giao dịch, khoản vay, cho vay quy mô lớn.

– Báo cáo tài chính sáu (06) tháng hợp nhất. Báo cáo tài chính năm hợp nhất của toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã được kiểm toán. Thời gian công bố: không quá chín mươi (90) ngày sau khi kết thúc năm tài chính;

– Cơ cấu, hoạt động, thay đổi vốn sở hữu tại các công ty; về bộ máy quản lý của công ty mẹ và các công ty con.

– Báo cáo thường niên của toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Thời hạn công bố thông tin Báo cáo thường niên không quá hai mươi (20) ngày kể từ ngày công bố thông tin Báo cáo tài chính năm;

– Báo cáo tình hình quản trị toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty sáu (06) tháng và năm: định kỳ sáu (06) tháng và năm, công ty mẹ thực hiện công bố thông tin về tình hình quản trị công ty mẹ và toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Thời hạn báo cáo và công bố thông tin Báo cáo tình hình quản trị doanh nghiệp sáu (06) tháng và năm chậm nhất là ba mươi (30) ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo.

Báo cáo thường niên, Báo cáo quản trị công ty, công khai trên Trang tin điện tử của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Các nội dung thông tin công khai, minh bạch phải được đăng trên Trang thông tin điện tử doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày được phê duyệt. Mẫu báo cáo thông tin công khai theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và nhất quán của thông tin công bố.

Các nội dung thông tin công khai, minh bạch của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước phải được đăng trên Cổng thông tin doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (www.business.gov.vn) trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày được phê duyệt.

Căn cứ pháp lý của tập đoàn kinh tế

Luật doanh nghiệp 2014

Nghị định số 69/2014/NĐ-CP của Chính Phủ về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước.

Các bước thành lập Tập đoàn kinh tế

Theo điều 10 Nghị định 69/2014/NĐ- CP:

  1. Xây dựng Đề án hình thành Tập đoàn kinh tế theo mô hình công ty mẹ – công ty con.
  2. Trình bày Đề án hình thành Tập đoàn kinh tế theo mô hình công ty mẹ – công ty trước lãnh đạo các công ty nghiên cứu.
  3. Hoàn thiện các thủ tục pháp lý để hình thành tập đoàn: thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các công ty có liên quan; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty.
  4. Xây dựng quy chế tổ chức và quản lý điều hành tập đoàn.
  5. Công bố hình thành tập đoàn.

Đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân không buộc phải nộp hồ sơ về bộ KHĐT nên quy trình thành lập tập đoàn có thể khác, nhưng vẫn nên thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Xây dựng đề án

Xây dựng nội dung đề án thành lập tập đoàn kinh tế

Nghiên cứu, tham khảo về Tập đoàn kinh tế theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con ở các nước phát triển;

Trình bày những điều kiện cần và đủ để hình thành một tập đoàn kinh tế theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con theo thông lệ quốc tế,

Phân tích xu hướng phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm sắp tới để khảng định: Hình thành các tập đoàn kinh tế theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con trong khu vực ngoài quốc doanh là tất yếu khách quan.

Phân tích thực trạng nhóm các công ty nghiên cứu;

Xác định khả năng trở thành tập đoàn của nhóm các công ty nghiên cứu;

Nghiên cứu và đưa ra giải pháp xử lý nếu nhóm các công ty nghiên cứu chưa hội đủ những điều kiện cần và đủ để hình thành tập đoàn;

Xác định Công ty mẹ

Xác định các Công ty con, công ty “cháu” và công ty liên kết;

Bước 2: Trình bày đề án

Trình bày Đề án hình thành Tập đoàn kinh tế theo mô hình công ty mẹ – công ty trước lãnh đạo các công ty nghiên cứu.

Kết quả cần đạt được của bước 2 là:

Lãnh đạo các công ty trong nhóm phê chuẩn đề án hình thành tập đoàn;

Ký thoả thuận hình thành tập đoàn;

Bước 3: Thực hiện thủ tục pháp lý doanh nghiệp

Hoàn thiện các thủ tục pháp lý để hình thành tập đoàn

Các nội dung cần thực hiện:

Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các công ty có liên quan;

Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty mẹ, Điều lệ các công ty con;

Đăng ký thay đổi thông tin thuế, đăng ký tài khoản, con dấu

Bước 4: Xây dựng quy chế tổ chức điều hành tập đoàn

Xây dựng quy chế tổ chức và quản lý điều hành tập đoàn.

Quy chế này bao gồm những nội dung sau:

Nguyên tắc quản lý các công ty trong Tập đoàn;

Hội đồng Chủ tịch hoặc Hội đồng giám đốc trong Tập đoàn;

Quản lý tài chính trong tập đoàn;

Quản lý nhân sự và chính sách tiền lương trong tập đoàn

Xây dựng và phát triển thương hiệu tập đoàn.

Quyết định bổ nhiệm các chức danh trong tập đoàn.

Bước 5: Công bố thành lập

Công bố hình thành tập đoàn.

Tổ chức sự kiện họp báo hoặc tiệc công bố thành lập tập đoàn.

Dịch vụ tư vấn thành lập tập đoàn

Với các tập đoàn tư nhân có ý định hình thành. Không bắt buộc phải tuân theo các quy định dành cho tập đoàn – tổng công ty nhà nước. Nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích khách hàng bám sát các quy định, thực hiện đầy đủ các bước thủ tục để đề phòng rủi ro về sau. Doanh nghiệp có thể có nguồn lực nhân sự dồi dào tuy nhiên vẫn cần thiết có một bộ phận có kinh nghiệm tư vấn và giúp chuẩn bị mọi việc suôn sẻ. Đó là lý do có dịch vụ tư vấn thành lập tập đoàn của Asadolaw.

Hồ sơ cần chuẩn bị:

Để lập đề án hình thành tập đoàn kinh tế theo mô hình công ty mẹ – công ty con trong khu vực ngoài quốc doanh, công ty tư vấn cần được cung cấp các tài liệu sau:

  1. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Điều lệ của tất cả các công ty trong nhóm;
  2. Các quy chế, quy định trong quản lý đã ban hành ở tất cả các công ty trong nhóm;
  3. Báo cáo tài chính trong 2 năm gần nhất của tất cả các công ty trong nhóm;
  4. Đối tượng khách hàng của tất cả các công ty trong nhóm;
  5. Danh sách các cán bộ quản lý của tất cả các công ty trong nhóm;
  6. Sơ đồ tổ chức nhân sự và mô tả công việc của các công ty trong nhóm;

Thời gian hoàn thành:

Bước 1: Thời gian hoàn thành trong khoảng thời gian từ 30 đến 60 ngày tuỳ theo quy mô của tập đoàn.

Bước 2: Do các công ty đăng ký thành lập tập đoàn đồng tổ chức. Trong thời hạn 3 ngày.

Bước 3: Thời gian hoàn thành từ 15 đến 60 ngày tuỳ theo số lượng các công ty phải thay đổi giấy đăng ký doanh nghiệp và địa phương liên quan.

Bước 4: Thời gian hoàn thành từ 15 đến 30 ngày.

Bước 5: Do công ty mẹ trong tập đoàn tổ chức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *